Hồi Ký Nguyện Xá -Don Bosco-1815-1825

Hồi Ký Nguyện Xá -Don Bosco-1815-1825

Lời giới thiệu của Don Bosco

Tại sao có hồi ký này?

Nhiều lần cha đã được khuyên viết lại những kỷ niệm liên quan đến Nguyện xá. Người khuyên cha điều ấy có thẩm quyền rất lớn. Tuy nhiên cha chưa bao giờ quyết định bắt đầu vì cha không thích nói về chính mình.

Giờ đây không còn là khuyên nữa, nhưng là một mệnh lệnh. Người đã ra lệnh là một người mà không thể không vâng lời. Vậy nên cha khởi sự viết. Đây là những tâm sự, nên không có tầm quan trọng, tuy nhiên có thể có lợi ích cho gia đình Salêdiêng. Bởi vì, (cha nói rất thẳng thắn) cha viết là cho các Salêdiêng con cái yêu quí của cha, nên cha cấm quãng cáo những chuyện này(1) khi cha còn sống cũng như khi cha đã qua đời.

Những trang này dùng để làm gì?

Chúng ta dùng để rút ra bài học từ quá khứ nhằm vượt qua những khó khăn trong tương lai. Chúng dùng để cho biết rằng chính Chúa đã hướng dẫn chúng ta trong mọi lúc.

(1):Các salêdiêng đã quảng cáo những trang hồi ký này 73 năm sau đó. Có hai sự kiện khiến họ cảm thấy được khuyến khích làm điều này: Don Bosco đã cho phép cha Bonetti lấy nhiều trang trong “hồi ký” và in tóm tắt trong báo Bollettino Salesiano; và cha Lemoyne cũng đã dùng văn bản hồi ký để viết ra những cuốn sách đầu tiên của bộ hồi sử Don Bosco.

Khi đọc cha không còn nữa,vì Chúa sẽ gọi cha về để tính sổ,thì việc đọc nó sẻ đem lại hứng thú cho các con.

Nếu có trang nào mà các con cảm thấy quá thích thú, một hương vị nào đó xảy đến, thì hãy thương đến cha. Cha là một người cảm thấy vui khi để lại chuyện của mình cho con cái, và cha nghĩ rằng việc trình bày những công chuyện nho nhỏ của cha cũng như tư tưởng chứa đựng trong những chuyện nhỏ chuyện lớn mà cha luôn quan tâm vì lợi ích thiêng liêng và vật chất của chúng, Phải làm chúng thích thú.

Cha viết lại những kỷ niệm của cha, sắp xếp chúng theo những thời kỳ từng mười năm một, bởi vì mỗi thời kỳ 10 năm này đánh giấu một bước phát triển đáng kể của gia đình chúng ta.

Các con thân mến của cha, khi các con đọc kỷ niệm và khi cha không còn nữa, hãy nhớ đến cha như một người cha đã yêu các con, và để lại cho các con những trang này như một dấu nói lên tình cảm của cha. Xin nhớ đến Cha,hãy cầu xin chúa cho linh hồn yên nghỉ.

            CUỘC ĐỜI GHI DẤU BỞI MỘT GIẤC MƠ

                           1815-1825

Cái Đói và Giấc Mơ

Cha Mẹ là nông dân.

Cha sinh vào ngày mà người ta mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời(1)

(1):Chứng từ hộ tịch cho thấy Don Bosco sinh ngày 16 tháng 8.Tuy nhiên,cũng lạ lùng, cả Don Bosco lẫn mẹ ngài đều luôn xác quyếtngày sinh 15 tháng 8.

Đó là năm 1815. Cha chào đời tại Morialdo(2), một thôn (frazione) của vùng Castelnuovo Asti.

(2):Morialdo là một thôn của Castelnuovo Asti(ngày nay gọi là castelnuovo Don Bosco). Morialdo là một thôn gồm một số xóm nhà,Don Bosco sinh ra tại sóm Becchi.

Ba của cha là phanxico, mẹ là Magarita Okiena.Cả hai là nông dân. Họ kiếm sống cách lương thiện bằng lao động. Cuộc sống của họ tiến triển nhờ tránh những chi tiêu không cần thiết.

Ba của cha, với lao động chân tay, hầu như một mình chăm lo cho bà nội của cha bảy mươi tuổi trong tuổi già đau yếu, cũng như cho anh em cha là ba đứa con. Người con lớn là Antôn do cuộc hôn nhân thứ nhất. Người thứ hai là Giuse. Và người trẻ nhất là cha, Gioan. Cũng có hai người sống trong nhà phụ giúp công việc đồng áng cha ba của cha.

Cơn sốt đem cha đi mất.

Khi cha chưa đây hai tuổi, Thiên Chúa đã gửi tới cho gia đình cha một bất hạnh nặng nề. Ba là người đầy sức lực, đang tuổi sung sức và rất quan tâm giáo dục Kitô giáo cho anh em cha. Một ngày kia, từ ngoài đồng trở về,mình đẫm mồ hôi, vô ý ông đi xuống hầm rượu lạnh. Ông bị cơn sốt cao tấn công, triệu chứng sưng phổi nặng. Mọi chữa trị đều vô hiệu. Chỉ trong ít ngày cơn bệnh đã đem ông đi mất. Trong những giờ sau cùng, ông đã lãnh các bí tích và nhắn nhũ mẹ của cha hãy tin thác nơi Thiên Chúa. Ba qua đời lúc 34 tuổi. Đó là ngày 12 tháng 5 năm 1817.

Về những ngày ấy cha chỉ còn nhớ một điều, ký ức đầu tiên trong đời cha: mọi người đều ra khỏi phòng nới ba của cha không còn nữa, nhưng cha không muốn đi theo họ. Mẹ của cha bảo:

-Gioan con lại đây với mẹ.

-cha trả lời:-Nếu ba không tới,thì con sẽ không đi.

-Tội nghiệp con, con không còn ba nữa.

Rồi mẹ bật khóc, cầm lấy thay cha và dẫn ra ngoài. Cha cũng khóc nhưng chỉ vì thấy mẹ của cha khóc. Vào tuổi ấy, cha chưa thể hiểu nổi mất ba thì sẽ bất hạnh như thế nào.

Biến cố này đã đưa cả gia đình cha vào cảnh cùng quẫn.

Cái đói kinh khủng trong năm ấy.

Trong nhà còn năm người, chính năm ấy lại mất mùa vì nạn hạn hán. Mọi loại thực phẩm dều tăng giá một cách đáng sợ. Người ta phải trả 25 lire (3) cho một thùng (23lít) lúa mì, và 16 lire cho một thùng bắp. Những người còn nhớ về thời ấy kể cho cha rằng dù một nắm cám tầm thường những người nghèo cũng xin, để thay thế cho món cháo đậu thông thường. Người ta gặp thấy những người ăn xin chết trên cánh đồng, miệng còn đầy cỏ: Nguồn thức ăn duy nhất mà họ có thể kiếm được để sống.

(3):1lire lúc đó tương đương 4000 lire vào năm 1985.

Nhiều làn mẹ của cha kể rằng bà đã phải nhờ tới mọi thứ dành dụm để có thể nuôi sống gia đình.Bà gom góp tất cả tiền bạc có trong nhà,đưa cho người hàng xóm,ông Bernardo Cavallo,để ông kiếm dùm đồ ăn cho.Ông là một người bạn của gia đình cha,ông đã đi nhiều chợ khác nhau,nhưng rồi cũng chẳng kiếm được gì.Ngay cả muốn trả giá cao,ông cũng không mua được chi cả.Cả nhà lo lắng đợi ông.Đến chiều ngày thứ hai ông mới trở về nhà với bàn tay không.Cha nhớ rằng cả nhà đã trải qua một nỗi sợ hãi khủng khiếp,bởi vì hôm đó chưa được ăn tí gì.

Mẹ của cha thử gõ cửa những nhà hàng xóm để mượn tạm chút gì đó, nhưng chẳng ai có thể giúp gì được. Bà không mất can đảm, nói với các con:

-Cha chúng con khi hấp hối đã nói với mẹ phải luôn tin thác vào Chúa. Nào chúng ta hãy quì gối xuống và cầu nguyện.

Sau một lời kinh nguyện ngắn, bà đứng lên và nói:

-Trong những trường hợp khẩn thiết thì chúng ta phải dùng những phương thức khẩn thiết.

Rồi với sự giúp đỡ của ông Bernardo Cavallo, bà đi ra ngoài chuồng gia súc, giết con bê, nấu ngay lập tức một phần và dọn bữa tối cho các con. Lúc ấy anh em cha đã quá đói hầu như kiệt sức. Những ngày sau đó, bà đã mua được lúa mì từ những vùng xa với giá đắt đỏ.

Một lời ngỏ cho mẹ.

Trong cái năm gian nan ấy, mẹ của cha đã đau khổ và vất vả rất nhiều. Chính nhờ sự làm việc không mệt mỏi, tiết kiệm thường xuyên, chắt góp từng đồng xu, và với sự giúp đỡ của chúa quan phòng, gia đình cha mới vượt qua được sự khốn khó. Những sự kiện này mẹ kể cho cha rất nhiều lần, họ hàng và bạn bè cũng nói như thế.

Sau khi vượt qua thời gian khốn khó và kinh tế trong gia đình có phần đỡ hơn, mẹ của cha nhận được một lời cầu hôn với nhiều thuận lợi(4). Nhưng bà đã từ chối một cách khẳng khái.

(4):Đây là chỗ duy nhất Don Bosco đề cập đến sự việc này.Ngài ra chúng ta không biết gì hơn.

-Chúa đã ban cho tôi một người chồng và Ngài đã lấy đi.Khi chết,ông đã trối lại cho tôi ba đứa con,tôi sẽ là người mẹ bất nhân nếu tôi quên chúng trong lúc chúng cần tôi hơn bao giờ hết.

Người ta bảo bà rằng con cái bà sẽ được trao phó cho một người giám hộ tốt lành, ông sẽ lo mọi sự cần thiết. Nhưng người đàn bà quảng đại đó trả lời:

-Người giám hộ là một người bạn, còn tôi là mẹ của con cái tôi. Tôi sẽ không bao giờ bỏ chúng, dù rằng để lấy tất cả vàng bạc trên trần gian này.

Nỗi lo lắng của bà rất lớn: dạy con cái trong tinh thần đạo giáo, giáo dục chúng biết vâng lời, giúp chúng lớn lên mà không sợ phải vất vả và làm việc.

Xưng tội lần đầu.

Khi cha còn rất nhỏ, cha đã biết tự cầu nguyện. Vừa khi biết cùng làm với các anh, cha đã quì gối mỗi sáng và mỗi tối: cùng nhau đọc kinh và lần một tràng hạt.

Cha nhớ rằng chính mẹ đã chuẩn bị cho cha xưng tội lần đầu. Bà cùng đi với cha tới nhà thờ, bà xưng tội trước, rồi gửi gắm cha cho cha giải tội, và sau đó bà giúp cha tạ ơn. Bà còn tiếp tục giúp cha cho tới khi tin rằng cha có thể một mình xưng tội cách xứng đáng.

Đọc, viết và làm việc.

Lúc ấy cha đã lên chín tuổi. Mẹ của cha ao ước cha cha đi học, nhưng bà lo lắng vì đường quá xa. Castelnuovo xa tới 5 cây số. Bà tính chuyện gởi cha vào trường, nhưng anh Antôn (lúc đó 16 tuổi) không đồng ý. Sau cùng mọi người đi đến một thỏa thuận: vào mùa đông, cha đi học ở Capriglio, ở làng lân cận, nơi đây cha đã học đọc và viết. Thầy dạy cha là một linh mục rất đạo đức, tên là Giuse Dallacqua. Ngài cư xử với cha rất tử tế, dạy cha học với tất cả tấm lòng và nhất là dạy đạo cho cha. Vào mùa hè, để làm vui lòng anh, cha ra ngoài đồng làm việc.

Một giấc mơ khai mở cuộc sống.

Vào tuổi ấy cha đã có một giấc mơ. Giấc mơ sẽ để lại ấn tượng sâu xa trong tâm trí cha suốt cả cuộc đời.

Cha thấy mình đang ở gần nhà, trong cái sân rất rộng, có nhiều thanh thiếu niên đang vui chơi. Một số đang cười, một số đang chơi, và không ít đang thốt ra những lời phạm thượng. Khi nghe chúng nói phạm thượng, cha liền lao vào giữa bọn chúng, dùng những cú đấm và lời lẽ để làm cho chúng im miệng lại.

Ngay lúc đó xuất hiện xuất hiện một người đàn ông uy nghi, ăn mặc quý phái. Ông mặc chiếc áo choàng che phủ toàn thân. Mặt ông sáng ngời khiến cha không thể nhìn được. Ông gọi tên cha và ra lệnh cho cha hãy làm thủ lãnh đám thanh niên đó. Ông nói:

-Con phải làm cho mình trở nên bạn của chúng, không phải bằng cách đánh đập, nhưng bằng lòng tốt và bằng đức ái. Con hãy nói, hãy giải thích cho chúng biết rằng tội lỗi thì xấu xa và tình bạn với Chúa là một sự thiện quí giá.

Bối rối và sợ hãi, cha trả lời rằng cha chỉ là một đứa trẻ nghèo và ngu dốt, rằng cha không có khả năng nói về đạo cho đám trẻ náo động đó.

Lúc đó đám thanh thiếu niên ngừng mọi tiếng ồn ào la hét và những lời phạm thượng, đến bao quanh người đang nói. Cha liền hỏi ông mà không ý thức mình nói gì:

-Ông là ai mà lại ra lệnh cho cháu làm điều không thể thực hiện được?

-Ông trả lời –Chính vì không thể mà con phải làm cho trở thành có thể nhờ sự vâng lời và hiểu biết.

-Nhưng làm sao cháu có thể có sự hiểu biết?

-Ta sẽ cho con một bà giáo. Nhờ sự hướng dẫn của bà, người ta sẽ trở nên khôn ngoan. Nếu không có bà thì người giỏi giang cũng trở thành dốt nát.

-Nhưng ông là ai?

-Ta là con của bà mà mẹ con dạy con mỗi ngày chào ba lần.

-Mẹ cháu luôn nhắc nhau không được làm bạn với những người chưa quen biết mà không có phép của bà. Vậy ông hãy cho cháu biết tên ông.

-Tên của ta à, con hãy hỏi mẹ ta.

Lúc ấy, cha nhìn thấy bên cạnh ông, một bà uy nghi, mặc chiếc áo dài lấp lánh ánh sáng, như thể mọi chỗ trên đó đều có một ngôi sao. Thấy cha càng lúc càng thêm bối rối, ông ra hiệu cho cha lại gần bà, bà nhân từ cầm lấy tay cha và nói:

-Con hãy nhìn.

Cha nhìn, và thấy đám thanh thiếu niên biến mất. Thay vào đó có một đám dê, chó, mèo, gấu và nhiều thú vật khác. Bà uy nghi đó bảo cha:

-Đây chính là cánh đồng hoạt động của con. Con hãy chăm lo trở nên khiêm nhường, mạnh mẽ và có sức lực; những gì con thấy sắp xảy ra cho các thú vật này, con phải làm cho các con của Ta.

Cha nhìn lần nữa thấy thay vì những thú dữ, lại xuất hiện những con chiên hiền lành, đang nhảy dờn, chạy tung tăng và kêu be be mừng ông và bà lạ mặt.

Tới đây, cha bật khóc . Cha nói với bà rằng cha không hiểu gì về những điều xảy ra. Bà đặt tay lên đầu cha và nói:

Khi tới lúc, con sẽ hiểu tất cả.

Khi bà vừa nói tới đó thì một tiếng động làm cha thức giấc. Mọi thứ biến mất.

Cha bị ấn tượng. Dường như đã có những bàn tay đánh cha vì những cú đấm mà cha đánh trước. Mặt cha đau đớn vì những cái tát lãnh phải.

Đứng đầu đảng cướp.

Ngay sáng hôm sau, cha kể lại giấc mơ, đầu tiên cho các anh, rồi cho mẹ và bà nội. Các anh cười, anh Giuse bảo: “Em sẽ trở thành một kẻ chăn chiên”. Mẹ thì nói: “Biết đâu con sẽ trở thành một linh mục”. Anh Antôn thì mỉa mai: “Mi sẽ đứng đầu đảng cướp”. Cuối cùng bà nội, vốn chẳng biết chữ nghĩa cũng như thần học, nói: “Không cần tin vào mộng mị”.

Cha đồng ý với bà nội. Tuy nhiên cha không thể nào xóa được giấc mơ đó khỏi tâm trí. Những gì cha trình bày trong những trang này sẽ cho biết tại sao.

Cha không khi nào kể lại những điều này ra ngoài, và người nhà của cha đã quên chúng. Những năm 1858 cha đi Roma để thưa với Đức Thánh Cha về việc thành lập tụ hội Salêdiêng. Ngài muốn cha trình bày cho ngài chi tiết mọi điều có thể có, dù chỉ mang vẻ siêu nhiên (5). Đây là lần đầu tiên cha kể lại giấc mơ cách chi tiết. Ngài bảo: có thể nó sẽ giúp khích lệ các Salêdiêng.

(5):Đây không có nghĩa Đức Pio IX có một ưu tiên đặc biệt với Don Bosco. Đức Giáo Hoàng này rất nhạy cảm về mọi biểu hiện siêu phàm,và bất cứ đâu ngài tìm,ngài đều có nghi vấn về sự thật.