8.Gặp Lui Comollo
Liều mình bị đuổi học
Vào cuối năm nhân văn (lớp Hai), các kỳ thư được chủ tọa bởi giáo sư Uỷ viên đặc biệt, cha Giuseppe Grazzani, người có nhiều thành tích giáo dục, do Hội đồng cao cấp do giáo dục phái tới.
Ngài rất thiệp với cha. Từ sau lần gặp gỡ ấy, lần gặp gỡ mà khi nhớ đến, cha vẫn còn tình biết ơn, nảy sinh một tình bạn đến bây giờ vẫn còn. Bây giờ ngài đang sống (1873) ở Moltedo Superiore, gần Oneglia quê quán của ngài. Ngoài nhiều công việc bác ái ngài thực hiện, ngài còn trả tiền hằng năm cho một thiếu niên muốn trở thành linh mục và đang học ở trường của chúng ta tại Alassio.
Các môn thi được thực hiện rất nghiêm chỉnh. Có 45 thí sinh và tất cả đều được lên lớp. Chỉ có mình cha là bị nguy cơ sa thải: Cha đã chuẩn bị bài dịch dưới ghế cho một bạn học. Chỉ nhờ vào uy tín của giáo sư thân với cha, cha Giuseana, dòng Đaminh, mà cha thoát được. Ngài cho cho một bài khác để dịch, cha đã làm tốt. Cha được lên lớp với điểm cao.
Do sự quy định của Hội đồng thành phố, mỗi lớp sẽ có ít nhất một học sinh được miễn đóng học phí (12lire). Để đạt được phần thưởng này, cần phải có điểm tối đa trong việc học và trong hạnh kiểm. Cha luôn luôn đạt điều này, nên năm nào cha cũng được miễn không đóng học phí.
Trong năm đó, cha mất một trong những người bạn thân nhất. Paolo Braje. Sau một cơn bệnh kéo dài, anh chết vào ngày 10 tháng bảy. Cha đã tìm cách bắt chước lòng tốt của anh, sự chấp nhận đau khổ, đức tin sống động của anh. Anh đã đi gặp thánh Lui, người mà anh rất thán phục trong cuộc sống ngắn ngủi của mình. Tất cả trường đều đau buồn vì cái chết của anh, đã tham dự rất đông đảo lễ an táng của anh. Trong các kỳ nghỉ, nhiều người đã rước lễ và lần hạt nhiều lần để cầu nguyện cho anh.
Chúa đã lấp đầy chỗ trống mà Paolo để lại trong lòng bạn học bằng cách gởi tới một người bạn khác tốt như anh ấy, và sau này còn trở thành nổi tiếng hơn anh nữa. Đó là Lui Comollo.
“Sức mạnh của những cái tát”
Vào cuối năm Nhân văn, giáo sư tiến sĩ Pietro Banaudi và các giáo sư khác khuyên cha nhảy năm Tu từ (lớp Nhất), và thử thi ngay vào năm Triết học.
Cha đi thi và được lên lớp. Thế nhưng năm 1834-1835 cha vẫn học năm Tu từ học, vì tôi thích văn chương. Nhờ thế mà cha gặp Lui Comollo.
Về người trai trẻ này, cha đã viết tiểu sử để cho mọi người có thể đọc được cách rộng rãi. Ở đây cha chỉ nhắc tới những ngày được gặp nhau.
Trong số các học sinh trong năm ấy, đã có tiếng đồn rằng có một “thiếu niên thánh thiện” sẽ tới. Đó là cháu của cha xứ ở Cinzano, một linh mục lớn tuổi và đáng kính vì thánh thiện. Cha đã muốn gặp thiếu niên này, nhưng cha còn không biết tên cả của anh. Và một ngày kia, chuyện cha gặp anh đã xảy ra như sau.
Đang khi học sinh vào lớp, có nhiều đứa đang chơi nhảy ngựa trong lớp. Đám học sinh ít kỷ luật và ít chăm chỉ lại thường giỏi chơi trò chơi nguy hiểm này.
Một thiếu niên khoảng 15 tuổi vừa mới tới, thấy cảnh hổn loạn ấy, anh yên lặng ngồi trên một ghế băng, mở sách học. Có vẻ như không nghe thấy tiếng la hét.
Một đứa kia bắt đầu nhìn anh với vẻ khiêu khích. Một đứa khác xấc láo nhất trong bọn lại gần anh, lấy cánh tay kẹp lấy anh và la lên:
-Tới đây chơi nhảy với bọn tao.
-Tôi không biết chơi – anh thì thầm – tôi chưa bao giờ chơi trò này cả.
-Thì mày học chơi bây giờ. Hoặc tự mày đi hoặc tao sẽ cái bạt tai cho mày đi.
-Nếu anh muốn thì cứ đánh tôi, nhưng tôi không đi.
Cái thằng mất dạy túm lấy anh, rồi tát anh hai cái mạnh làm vang động cả lớp. Khi ấy cha cảm thấy máu trong mạch sôi lên. Cha đợi kẻ bị xúc phạm phản ứng trả đũa cách đích đáng, mạnh hơn, vì anh cao và khỏe hơn. Thế nhưng không có gì xảy ra. Với khuôn mặt hơi đỏ, anh nhìn thương hại tên thô lỗ kia và nói với hắn:
-Anh hài lòng chưa? Thôi bây giờ để cho tôi yên. Tôi tha cho anh.
Cha bị xúc động: Người này quả là một anh hùng thuần túy. Cha lập tức tìm biết tên anh bạn trẻ đó: đó là Lui Comollo, người “ thiếu niên thánh thiện”, cháu của cha xứ Cinzano.
Bức tường chắn
Từ giây phút ấy cha đã coi anh như người bạn thân. Cha có thể nói rằng chính từ anh mà cha đã học để sống đúng như một Kitô hữu. Anh và cha lập tức hiểu nhau và kính trọng lẫn nhau. Cả hai cần lẫn nhau: cha cần sự giúp đỡ thiêng liêng, anh cần sự giúp đỡ vật chất.Lui là người rất e thẹn, không dám tự trước những xúc phạm và ý xấu. Còn cha, nhờ có can đảm và sức mạnh, tất cả đều kính nể cha, ngay cả những đứa lớn tuổi hơn và khỏe hơn cha.
Một ngày kia có mấy đứa muốn hạ nhục và đánh Lui và Antonio Candelo, một thiếu niên giỏi, tốt khác. Cha hét lên, bảo phải để họ yên thân, nhưng chẳng có đứa nào nghe. Chúng bắt đầu tuôn ra những lời thóa mạ, và cha nói:
-Đứa nào còn nói một câu tục nữa sẽ phải tính chuyện với tao.
Mấy đứa cao và lì lợm hơn đứng thành bức tường chặn trước mặt cha, đang khi hai cú đấm đã bay vào mặt Lui. Cha mất cả suy nghĩ, buông theo cơn nóng. Vì không kiếm được cây gậy hay chiếc ghế, cha đưa hai tay nắm lấy vai một đứa trong bọn, dùng nó như một cây gậy bắt đầu phang vào mấy đứa khác.
Bốn đứa té nhào xuống đất, những đứa khác la hét bỏ chạy.
Lúc đó giáo sư vào lớp, nhìn thấy những cánh tay và cẳng chân bay trên không gây nên tiếng động, ông la lên và tát cho mấy đứa.
Khi đã bình tĩnh, ông bảo kể lại cho ông nghe lý do sự lộn xộn ấy, và như thể không tin, ông muốn cha phải diễn lại cảnh đã xảy ra. Rồi ông bật cười, những đứa khác cũng cười theo, và ông giáo sư quên không phạt cha nữa.
“Anh quá bận tâm nói chuyện với con người…”
Nhưng Lui cho cha một bài học, ngay khi anh có thể thân tình nói với cha.
-Gioan – anh nói – sức mạnh của anh khiến tôi kinh sợ. Thiên Chúa không ban cho anh sức mạnh để làm hại bàn bè. Ngài muốn chúng ta tha thứ, chúng ta yêu thương nhau, chúng ta làm điều lành cho người làm hại chúng ta.
Qủa là anh có một lòng nhân từ không thể tin được. Cuối cùng cha phải đầu hàng những lời của anh và để cho anh hướng dẫn.
Lui Comollo, Giuglielmo Garigliano và cha, cả ba thường đi xưng tội và rước lễ, nguyện ngắm, đọc sách thiêng, giúp lễ và viếng Chúa Giêsu thánh thể với nhau. Lui biết cách mời bằng lòng tốt và sự nhã nhặn của anh, thật khó mà trả lời không với anh.
Một ngày kia, đang khi mãi nói chuyện với một người bạn, cha đi ngang một nhà thờ mà không bỏ mũ. Lui rất nhã nhặn bảo:
-Gioan à, anh quá bận tâm nói chuyện với con người, đến nỗi anh không biết mình đi ngang trước nhà Chúa nữa.
9. Chuyện nhỏ chuyện to.
Giữa bánh ngọt và kem
Cha đã kể một số chuyện ở trường học. Bây giờ cha sẽ kể một số sự kiện mà có thể có tính chất vui nhộn nữa.
Đang khi học lớp Hai, cha đổi nhà trọ. Một người bạn của gia đình cha, tên Giovanni Pianta, mới mở một quán cafe, ông mời cha đến trọ nhà ông. Cha nhận lời, cũng vì lý do nhà ông gần nhà cha giáo Pietro Banaudi của cha.
Sống trong một tiệm ăn công cộng như thế là một sự nguy hiểm cho một thanh niên. Phần cha, cha tránh được mọi dịp xấu bởi vì ông bà chủ đều là Kito hữu tốt và bởi vì cha có những người bạn tốt.
Làm xong bài tập và học xong bài, cha còn rất nhiều giờ rảnh.
Cha bắt đầu chia thời giờ thành hai phần. Trước nhất để đọc các tác giả Cổ điển Ý và Latinh, phần sau để học làm bánh và chế rượu.
Đến giữa năm, cha không chỉ biết dọn cafe và socola, nhưng còn biết cách thức và bí mật nghề làm kem, thức uống giải khát, rượu và bánh ngọt.
Ông chủ, vì thấy chỗ làm ăn của ông có nhiều thuận lợi, nên hầu như ngay lập tức cho cha trọ miễn phí. Rồi ông cống hiến cho cha một đề nghị cụ thể, ngừng học và làm việc toàn phần cho tiệm cafe của ông. Nhưng cha muốn tiếp tục học bất cứ giá nào. Tất cả mọi cái khác, cha làm chỉ để giải trí mà thôi.
Chết đuối
Cha Banaudi là một thầy dạy gương mẫu. Không bao giờ phạt một ai, ngài làm cho tất cả đều quí mến và sợ ngại. Ngài thương học sinh như con cái, và đối lại chúng cũng thương mến ngài.
Để cho lòng biết ơn ngài, cả bọn quyết định tổ chức cho ngài một ngày lễ ý nghĩa vào dịp bổn mạng ngài. Các học sinh sáng tác thơ và văn xuôi, chuẩn bị một số quà mà biết ngài sẽ rất thích.
Buổi lễ thành công mỹ mãn. Cha Banaudi rất hài lòng, và để tỏ cho thấy ngài mãn nguyện, ngài dẫn cả bọn đi ăn trưa ở miền quê. Ngài hôm đó quả là tuyệt. Giữa giáo sư và các học sinh tuôn chảy một dòng thiện cảm, và diễn tả điều đó dưới cả ngàn cách thức.
Trước khi trở vào thành phố, cha Banaudi gặp một người bạn, nên ngài phải rời các học sinh.Đoạn đường cuối, bọn cha đi một mình.
Sau đó ít phút, cả bọn gặp một học sinh lớp trên. Họ mời cùng đi tắm suối goi là Suối Hồng (Fontana Rossa). Con suối cách xa chừng khoảng hai cây số.
Cha với một số bạn phản đối. Nhưng không phải mọi người đều nghe cha. Trong khi nhiều bạn cùng cha trở về nhà, một số lại đi bơi. Quyết định đi bơi hôm ấy quả là một bất hạnh.
Sau khi nhóm cha về tới nơi được vài tiếng đồng hồ, một đứa chạy về, sau đó một đứa khác nữa. Vừa sợ hãi vừa lo lắng, chúng nói:
-Philip chết rồi. Chính Philip đã kêu chúng tớ đi bơi, nó chết rồi.
Không tin nổi, đám bạn cha liền hỏi: – Nhưng tại sao? Philip bơi giỏi hơn tất cả mà!
-Vậy mà như thế đấy. Để chứng tỏ mình can đảm, nó nhảy xuống nước đầu tiên, không biết có những hố sâu mà do đó Suối Hồng trở nên nổi tiếng. Bọn tao đợi nó nổi lên, nhưng mãi không thấy đâu. Bọn tao kêu cứu, và dân chúng chạy tới. Sau cả một tiếng rưỡi, liều mình đầy nguy hiểm, một số người mới kéo được xác nó lên bờ.
Tai nạn đó khiến mọi người rất buồn. Chẳng còn ai, trong năm đó, cũng như năm tiếp theo, dám đi bơi ở suối nữa.
Cách đây ít lâu cha gặp một số bạn cũ, và tất cả vẫn còn hối hận vì kết cục buồn thảm của Philip ở cái hủng sâu của dòng Suối Hồng.
10. Giona, anh bạn người Do Thái
Khủng hoảng khi lên 18 tuổi
Khi đang ở nhà ông Giovanni Pianta, cha làm bạn với một thiếu niên Do thái tên là Giona. Anh ta mười tám tuổi, khuôn mặt đẹp trai, giọng hát thật hay và ngọt ngào. Anh chơi bida thật tuyệt vời.
Cha và anh ta quen nhau tại tiệm bán sách Elia. Mỗi lần đi qua đó, điều đầu tiên anh hỏi luôn là tin tức và cha. Cha và anh rất quí mến nhau. Tình bạn của anh dành cho cha có những biểu lộ không thể tưởng được. Mỗi khi rảnh rỗi, anh tới trải qua thời giờ ở phòng của cha. Cha với anh đánh đàn Piano, hát, đọc, kể cho nhau nghe. Anh rất thích nghe đủ thứ chuyện của cha.
Một ngày nọ anh rơi vào khủng hoảng. Anh để mình đi theo một hành động xấu. Sau một trận cãi nhau, anh gặp những rắc rối nghiêm trọng. Anh chạy lại cha tìm một lời khuyên . Cha bảo anh:
-Nếu anh là Kitô hữu, tôi sẽ đem anh đi xưng tội ngay lập tức. Nhưng điều này không thể.
-Nhưng nếu chúng ta muốn, chúng ta vẫn có thể giải tội cho nhau.
-Chúng ta không phải là cha giải tội, chỉ là một người bạn lắng nghe và thế là hết. Chúng ta không cử hành bí tích, không thể ban tha thứ nhân danh Chúa, và cũng không bị buộc giữ bí mật.
-Vậy thì nếu anh đi với tôi, tôi sẽ đi xưng tội với một linh mục.
-Nhưng mà phải chuẩn bị lâu giờ.
-Chuẩn bị gì?
-Việc xưng tội Kitô giáo tha thứ các tội đã phạm khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Cho nên, nếu anh muốn lãnh một bí tích, trước hết anh phải được rửa tội đã.
-Tôi phải làm gì để nhận bí tích Rửa tội.
-Học đạo Kitô, tin vào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và người thật. Chỉ khi đó anh mới có thể được rửa tội.
-Phép rửa tôi có ích gì?
-Phép rửa làm anh nên con Thiên Chúa, thiên đàng dành cho anh. Qua nước Rửa tội, Thiên Chúa tẩy xóa tội nguyên tổ, tha thứ các tội đã phạm, cho anh được vào trong Hội Thánh để nhờ đó anh có thể lãnh các Bí tích cứu độ.
-Nhưng chúng tôi những người Do thái chúng tôi không được rỗi sao?
-Từ khi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến trên trần gian, thì con đường thông thường để cứu độ cho mọi người, là tin vào Ngài.
-Nếu mẹ tôi mà biết được rằng tôi muốn trở thành Kitô hữu, tôi sẽ gặp nhiều rắc rối.
-Anh đừng sợ.Thiên Chúa là chủ các cõi lòng. Nếu ngài gọi anh trở thành Kitô hữu, Ngài sẽ làm cho mẹ anh đồng ý, chính Ngài sẽ chỉnh đốn mọi sự.
-Anh là bạn tôi. Anh sẽ làm gì nếu anh ở trong trường hợp của tôi?
-Tôi sẽ bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo cách nghiêm chỉnh. Khi đó Chúa sẽ cho chúng ta hiểu Ngài sẽ muốn gì nơi chúng ta. Anh hãy lấy cuốn sách giáo lý và đọc nó cách chăm chú. Anh hãy cầu xin Chúa giúp anh biết chân lý.
Bi kịch gia đình
Từ ngày đó anh bắt đầu gắn bó với đạo Công giáo. Khi đi tới quán cafe, sau một trận đấu bida, anh tìm cha để tranh luận. Anh cùng cha đào sâu các giải đáp giáo lý và các vấn đề về đạo.
Sau ít tháng anh bắt đầu học làm dấu Thánh giá, kinh lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Tin kính và những chân lý của đức tin. Anh rất sung sướng. Ngày càng ngày anh tỏ ra tốt hơn trong cách nói chuyện và trong cách cư xử.
Anh đã mất cha khi con nhỏ. Mẹ anh bà Rebecca, lúc đầu nghe đồn con mình thay đổi quan niệm sống, nhưng bà không quan tâm.
Bi kịch gia đình xảy ra vào một ngày kia, khi dọn giường cho con, bà thấy cuốn giáo lý mà Giona đang học. Bà la toáng lên. Rồi bà đi tới thầy Rabbi, cho ông thấy cuốn giáo lý. Nghi rằng mọi sự đều do cha, bởi vì bà đã nhiều lần nghe con bà nói về cha. Bà tới gặp cha.
Giona là một chàng trai rạng rỡ bao nhiêu, thì không may bà mẹ lại xấu xí bấy nhiêu. Bà có một cái mũ to lớn, một mắt lại không nhìn thấy gì và lại còn bị điếc nữa. Bà lại còn có cái miệng xấu xí: môi dày, méo mó, răng thưa. Cằm dài và nhọn. Thêm nữa giọng nói lại khó nghe. Các người Do thái gọi Lilith là người phù thủy để dọa con nít xấu nết, họ cũng gọi bà là Bà Lilith.
Bà đối diện cha với sự tức giận và cay đắng, đến nỗi cha cảm thấy sợ hãi. Bà bảo cha:
-Mày chính là nguyên nhân sự bất hạnh này. Mày đã hủy hoại Giona của tao. Mày đã làm ô nhục nó trước mặt dân chúng. Nó sẽ trở thành Kitô hữu, tao không biết rồi những gì sẽ xảy ra cho nó.
Cha vận dụng hết những lời lẽ tốt nhất mà cha có. Cha bình tĩnh nói với bà rằng bà phải hài lòng, vì cha đã làm điều tốt cho con của bà.
-Mày làm điều tốt cho nó à? Chối bỏ đạo của mình là điều tốt à?
-Thưa bà, xin bà bình tĩnh lại và suy xét. Không phải tôi đã tìm đến con của bà. Chúng tôi gặp nhau tại cửa tiệm bán sách của ông Elia và chúng tôi trở thành bạn. Anh ấy gắn bó với tôi và tôi cũng quí mến anh ấy. Vì là một người bạn chân thật, nên tôi muốn cứu kinh hồn anh, muốn anh biết Kitô giáo, con đường cứu độ duy nhất. Xin bà hãy biết cho rằng đối với con bà, tôi chỉ cho một cuốn sách, tôi chỉ mời anh ấy tìm hiểu nghiêm chỉnh về Kitô giáo. Nếu anh ấy có trở thành Kitô hữu, anh ấy sẽ không bỏ đạo Do thái nhưng sẽ sống đạo Do thái cách hoàn hảo hơn.
-Nếu không may nó trở thành Kitô hữu, nó sẽ phải bỏ các ngôn sứ của chúng tao. Các Kitô hữu không tin Abraham, Issac, Giacob, Môsê và các ngôn sứ khác.
-Điều đó không đúng. Chúng tôi tôn kính tất cả các thánh tổ phụ trong Kinh thánh, chúng tôi tin các ngôn sứ của dân Do thái. Những gì họ viết, những lời họ nói, những lời tiên tri của họ, là nền tảng của đức tin Kitô giáo.
-Nếu thầy Rabbi của chúng tôi mà có mặt nơi đây, ông ấy biết cách trả lời cho mày. Tao không thông biết Mishna cũng như Ghemara (hai phần của kinh Talmud). Tao chỉ biết một điều rằng Giona khốn khổ của tao đã hư hỏng.
Nói xong câu này bà bỏ đi. Có lẽ cần phải nhiều trang để tả lại những cuộc đe dọa mà cha đã gặp với thầy Rabbi, với các thân nhân của Giona, và cả của bà mẹ nữa. Nhưng nhất là Giona, anh ta phải chịu những đe dọa và bạo lực. Anh chịu đựng cách can đảm và tiếp tục học hiểu đức tin.
Ở gia đình không còn là chổ yên ổn nữa. Anh phải bỏ nhà, sống trong điều kiện thiếu thốn. Nhiều người đã giúp đỡ anh. Cha đã kể tất cả cho các linh mục rất uyên bác, ngài tìm mọi cách để bảo vệ anh, và giúp anh đào sâu việc chuẩn bị lãnh Rửa tội.
Lúc này Gioan khao khát trở thành Kitô hữu.
(Ngày 10 tháng 8, tại nhà thờ chính của Chieri) đã cử hành lễ Rửa tội. Biến cố xảy ra đánh động người dân Chiere về đức tin, và khiến một số người Do thái cũng suy nghĩ, sau này họ cũng theo Kitô giáo.
Cha mẹ đỡ đầu là ông Carlo và bà Ottavia Bertinetti, họ chăm sóc cho người tân tòng như con của mình. Nhờ sợ giúp đỡ của họ, Giona có thể tìm được một việc làm để sinh sống cách lương thiện. Tên thánh mà Giona(2) nhận là Lui.
(2). “Giona” là một tên có tính hư cấu mà Don Bosco dùng để che dấu tên thật, hoặc là một biệt danh mà các bạn gọi Giacomo Levi. Trong sổ sách chính thức tại Chieri, người ta có thể tìm thấy ghi việc Rửa tội, viết bằng Latinh: “Ngày 10 tháng tám, tôi Sabastiano Schioppo, nhà thần học và kinh sĩ…tôi đã rửa tội trọng thể cho thanh niên Giacomo Levi, 18 tuổi, và đặt tên cho anh là Lui…”
11. Tên phù thủy
Đốt “các kiệt tác’’
Thời gian của cha xoay quanh việc học và dành cuộc sống với các bạn.
Cha và giúp nhau vui bằng kịch nghệ, ca hát, chơi nhạc cụ.
Cha may mắn có trí nhớ tốt. Cha thuộc lòng những đoạn dài của các nhà văn và nhà thơ cổ. Cha biết Dante, Petrarca, Tasso, Parini, Monti, và nhiều nhà thơ khác kỹ đến độ có thể sử dụng vào việc của mình cách dễ dàng.Đối với cha quá dễ dàng ứng khẩu những vẫn thơ trong bất cứ đề tài nào.
Trong các cuộc trình diễn mà các bạn và cha luyện tập, cha luôn sẵn sàng hát, đánh đàn, ứng khẩu làm thơ. Các bài sáng tác của cha được coi là những kiệt tác. Thực ra đó là những đoạn của các nhà thơ nổi tiếng, được ứng dụng vào những hoàn cảnh khác nhau.
Vì lý do này cha không cho ai thơ của cha cả. Nếu có trường hợp nào cha viết, thì liền sau đó cha đốt ngay.
Trở lại nghề ảo thuật
Thời gian này cha học thêm một số trò chơi mới:
Chơi các loại bài, chơi cầu, trò chơi với gạch, với chạy và nhảy bằng cây cà kheo. Không phải mọi trò chơi cha đều xuất sắc, nhưng cha điều khiển tốt.
Một số trò chơi, như cha đã kể, cha đã học trên cánh đồng vùng Morialdo. Nhưng ở đó nếu cha là nhân vật chính, thì ở đây cha trở thành bậc thầy. Đó là những trò chơi ít người biết, họ coi đó như thuộc thế giới khác.
Với các trò chơi ảo thuật, cha trình diễn công cộng và riêng tư. Ở đây ai cũng ngạc nhiên. Từ một cái thùng họ thấy lôi ra cả hàng chục trái banh lớn hơn chính cái thùng, từ một cái túi nhỏ kéo ra cả chục trái trứng, họ há miệng kinh ngạc.
Một số trò chơi khác còn gây ấn tượng hơn nữa. Cha đi nhặt những trái banh mọc trên mũi của khán giả, đoán xem một số người có bao nhiêu tiền trong túi. Chỉ cần đặt nhẹ tay cha liền khiến cho mấy đong tiền cắc hóa thành bụi. Cha mời một số người quan sát khán giả, và thay vì thấy người, họ thấy những con quái vật, có khi thấy người không đầu.
Loại trò chơi cuối cùng này là làm thần kinh một số người chấn động, họ bắt đầu nghi cha là một phù thủy, rằng cha làm do sự trợ giúp của ma quỉ.
Con gà nhỏ của Tommaso Cumino
Một trong số những người bị ấn tượng đó chính là ông Tommaso Cumino, chủ nhà mới của cha, một tín hữu nhiệt thành, nhưng tài giỏi , và thích vui đùa. Biết thế cha liền lợi dụng để làm ông ngạc nhiên.
Ngày lễ bổn mạng của ông, ông đã chuẩn bị cho các người trọ nhà ông một con gà nấu đông. Ông mang cái chảo có con gà lên bàn. Mở chảo ra, thì một con gà còn sống nhảy ra, hoảng sợ, bay lên và kêu inh ỏi.
Lần khác ông đã luộc một nồi spaghetti, khi tới lúc lấy ra, đổ vào cái rổ cho ráo nước, liền biến thành một khối cám đặc.
Nhiều lần ông đã rót đầy rượu vào chai, nhưng sau đó khi đổ vào ly thì lại thấy toàn nước. Rồi khi muốn uống nước thì lại thấy ly của mình toàn là rượu. Những trò chơi dỡn khác thường hơn, đó là biến trái cây thành những miếng bánh mì, tiền trong bóp đổi thành những mảnh nhôm rỉ sét, mũ đội đầu thành nón len đội ban đêm, những trái hạnh đào thành sỏi.
Tới một lúc, ông Tommaso khốn khổ ấy khiếp sợ. Ông nghĩ:
-Con người thì không thể làm được chuyện này, còn Thiên Chúa thì không phung phí thời giỡn chơi như thế. Tất cả những thứ này phải do ma quỉ.
Không dám nói với ai suy nghĩ của mình, ông tâm sự với một linh mục tên Bertinetti ở gần đó. Vị linh mục này tin rằng trong những sự việc đó là phù phép. Ông nói tất cả với Uỷ viên các trường học, kinh sĩ Burzio, linh mục trưởng của nhà thờ chính
Cha Burzio là một con người học thức và thận trọng. Ngài không nói với lại với ai cả, nhưng mời cha đến nói chuyện với ngài.
“Hoặc là con phục vụ ma quỉ, hoặc là ma quỉ phục vụ con’’
Cha tới phòng làm việc của ngài khi ngài đang đọc kinh phụng vụ. Ngài nhìn cha với một nụ cười và ra hiệu đợi một phút. Cuối cùng ngài mời cha đi theo ngài phòng làm việc thứ hai. Với lời lẻ lịch sự nhưng vẻ mặt nghiêm nghị ngài bắt đầu vấn cha.
- Con thân mến, cha rất hài lòng vì việc học và hạnh kiểm của con. Nhưng người ta mới đây kể cho cha nghe một số chuyện của con… Người ta nói rằng con đọc được ý nghĩa của người khác, đếm được tiền trong túi người ta, con làm cho người ta nhìn đen hóa trắng, con biết những chuyện từ xa…Rất nhiều người nói về con. Có người nghi rằng con làm phù thủy. Con phải trả lời cách thành thật cho cha: ai đã dạy con những thứ ấy? Con học ở đâu? Những chuyện gì con nói với cha, sẽ được giữ kín cha với con biết mà thôi. Cha nói với con những điều này vì lợi ích của con mà thôi.
Không chút bối rối, cha xin năm phút để trả lời, và cha xin ngài cho cha biết giờ. Ngài thọc tay vào túi, nhưng không thấy đồng hồ.
- Nếu không có đồng hồ – cha nói với ngài – vậy cha cho con ít là một cắc 5 đồng.
Ngài lục lọi trong túi nhưng không thấy bót đâu. Mất bình tĩnh ngài la lớn tiếng:
- Đồ quỉ! Con phục vụ cho ma quỉ, hay ma quỉ phục vụ cho con. Con đã ăn cắp đồng hồ và cái bóp của cha. Cha buộc lòng phải tố cáo con, và có lẽ phải cho đập cho con một trận.
Nhưng khi thấy người cha vẫn bình tĩnh cười, ngài tìm cách lấy lại bình tĩnh, và với giọng kìm chế:
- Chúng ta hãy xem mọi việc cách bình tĩnh. Hãy giải thích cho cha biết bí mật. Làm sao cái đồng hồ và cái bóp của cha lại có thể ra khỏi túi cha mà cha không biết? Bây giờ ở đâu rồi?
Cha trả lời cách lễ độ:
- Thưa cha kinh sĩ, con sẽ giải thích cho cha tất cả chỉ cần hai lời. Mọi sự đều do nhanh tay mà thôi, mọi mánh khóe đã được sửa soạn với sự khéo léo.
- Mánh khóe nào con đã sử dụng với cái đồng hồ và cái bóp tiền của cha?
- Con xin giải thích cho cha. Khi con tới nhà cha, cha đang cho kẻ khó tiền. Ngay lúc đó con bỏ bóp tiền của cha trên cái bàn quì. Rồi sau khi chúng ta chuyển từ phòng làm việc thứ nhất sang phong thứ hai, cha để quên chiếc đồng hồ trên bàn. Với vài động tác, con đã dấu cả hai dưới lồng đèn này.
- Khi nói thế, cha cầm cái chân đèn lên, cả hai đồ vật mà vị linh mục tin là ma quỉ lấy, hiện ra. Con người thông thái bật cười, cười không dứt. Ngài muốn cha làm mấy trò cho ngài coi. Cuối cùng ngài rất sung sướng, tặng cho cha một món quà nhỏ và bảo:
- Con hãy nói vói các bạn con rằng sự ngạc nhiên của con cái của sự ngu dốt.
“chạy nhanh như tốc đọ xe lửa”
Những lời tố giác là phù thủy thực ra không làm sao xáo trộn nhịp sống của cha và các bạn. cả bọn vẫn tụ họp, biểu diễn và vui chơi với nhau.
Lúc ấy có một tay làm xiếc đén tỉnh chieri, anh chàng bắt đầu cuộc trình diễn bằng một màn chạy bộ ngoài sức tưởng tượng: chạy từ đầu này tới đầu kia thành phố chỉ trong hai phút rưỡi, tức là bằng tốc độ của xe lửa. Một số bạn của cha kể cho cha với đôi mắt thán phục, như một hiện tượng.
Chẳng cân nhắc đến hậu quả lời nói, cha bảo rằng cha sẽ thử tài với anh chàng này. Một người thiếu khôn ngoan liền đi măt lại mới anh chàng làm xiếc, anh ta chấp nhận lời thách thức này ngay lập tức. Khắp cả chieri người ta đồn tin: một học sinh thách thức một nhà vô địch chuyên nghiệp.
Nơi chốn được chọn để thi đấu là con đường porta torinese. Sự cá cược là 20 lire. Cha không có tiền, nhưng nhiều bạn trong hội vui gom tiền lại.
Trên đường chạy, anh chàng làm xiếc kia ưu thế hơn cha mấy mét, nhưng chẳng mấy chốc, cha đã rút ngắn khoảng cách, rồi bỏ xa anh ta. Tới nửa đường, anh ta dừng lại và cho cha thắng cuộc.
- Tao đề nghị một cuộc thi nhảy. Nhưng tao muốn lần này cá cược 40 lire, và hơn những nếu mày muốn.
80 lire trên đầu que đũa thần
Mọi người chấp nhận. Anh ta chọn nơi thi đấu. Phải nhảy qua một cái hố, phía trước một bức tường rào mà người ta dựng gần một cây cầu nhỏ. Anh ta nhảy trước, và đặt chân tới sát bức tường tới nỗi không thể nào tới nhảy gần hơn nữa. Cha có thể thua, cha không cảm thấy chắc phần thắng. Tuy nhiên, cha nghiên cứu cách thức. Cha đã thực hiện cú nhảy như anh ta, nhưng dựa tay trên hang rào, cha làm cú nhảy của mình dài thêm qua bên kia bức tường (cú nhảy sơ đẳng với một cây sào). Tiếng tán thưởng vang dội quanh cha.
– Tao muốn thách đấu lần nữa. Mày hãy chọn bất cứ trò khéo léo nào.
Cha chấp nhận. Cha chọn trò cây gậy thần, số tiền cá cược lên tới 80 lire. Cha cầm một cây gậy, một đầu cha đặt một cái mũ, đầu kia cha đặt một cái vòng bằng tay. Không đụng tay kia, cha làm cho cây gậy nhảy trên các đầu ngón út, ngón nhẫn, tới ngón cái, rồi cho cây gậy nhảy trên lưng bàn tay, trên cùi trỏ, trên lưng, trên cằm, trên môi, trên mũi, trên trán, rồi chạy ngược về vồng bàn tay.
– Lần này, tao chẳng thua đâu.- anh ta nói – Đây là trò ruột của tao.
Anh ta cầm cũng cây gậy đó, với sự khéo léo lạ lùng, anh ta cho nó đi cho tới môi anh ta. Nhưng anh ta có một cái mũi hơi dài nên cây gậy lung lay, mất thăng bằng, và anh buộc phải lấn tay đỡ để nó khỏi rơi.
“Chúng tôi bài lòng vì thua”
Anh chàng khốn khổ kia thấy tất cả tiền dành dùm của mình tiêu tan, anh giận giữ thét lên:
-Tao chấp nhận mọi nhục nhã, nhưng không chịu thua một thằng học sinh. Tao còn 100 lire nữa, tao có tất cả tiền để thi trèo cây. Ai đặt chân lên gần đỉnh cay hơn thì thắng.
Thế là anh ta chỉ một cây sồi gần bên đường. Lần này nhóm của cha cũng chấp nhận, và cách nào đó cả bọn cũng sẵn sằng chấp nhận thua, bởi vì cảm thấy thương hại anh ta. Không ai muốn làm tiêu tan anh ta.
Anh ta trèo lên trước, đặt chân lên chỗ cao nhất, tới độ nếu như lên cao hơn chỉ một tí nữa, thì cây sẽ gãy xuống cùng với anh ta. Ai nấy đều nói rằng không thể nào lên cao hơn nữa.
Đến lượt cha. Cha cũng lên tới điểm cao nhất mà cây còn chịu nổi đó. Rồi cha đưa hai tay nắm lấy cây, nhún người đứng thẳng, và cha đặt chân của mình cao hơn khoảng một mét so với chiều cao mà đối thủ đã đạt tới. Phía dưới, bùng lên những tiếng vỗ tay.
Một bàn ăn 22 học sinh.
Các bạn của cha ôm nhau sung sướng, anh chàng làm xiếc kia thì giận tím mặt, còn cha thì hãnh diện vì đã chiến thắng không phải những đứa giống như mình, nhưng là thắng một tay biểu diễn chuyên nghiệp.
Tuy nhiên anh chàng lực sĩ kia quá đau khổ đến nỗi bật khóc. Cả nhóm cha cảm thấy thương hại, nên đã trả lại tiền cho anh với điều kiện: anh sẽ trả tiền cho cả bọn cùng đi ăn ở nhà hàng Muletto.
Anh ta cảm thấy như sống lại và đã chấp nhận ngay đề nghị. Cả nhóm cha hai mươi hai mươi người đi ăn trưa: tất cả cả đều là thành viên của Hội Vui. Bữa ăn tốn của anh ta hết 25 lia. Số tiền mà anh ta có thể thu hồi lại được thay vào đó là 215 lia.
Ngày thứ Năm hôm đó quả là một ngày vui vẻ. Vinh quang bao lấy cha vì cha đã hạ được tay làm xiếc kia tới bốn lần. Các bạn cha chia sẻ chiến thắng của cha biểu lộ niềm vui tột độ và đã cùng nhau có một bữa ngon miệng. Cả anh chàng làm xiếc cũng hài lòng, bởi vì anh đã có thể lấy lại hầu như trọn vẹn số tiền. Khi chia tay, anh ta cám ơn và nói:
-Trả lịa tôi số tiền này, các bạn đã giúp tôi khỏi bị sụp đổ. Tôi thật tình cảm ơn các bạn. Tôi sẽ nhớ ơn các bạn, nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ đánh cuộc với các học sinmh nữa.
13. HAM ĐỌC SÁCH
Hai phần ba ban đêm dành để đọc sách
Chúng con sẽ hỏi cha: “Nếu cha dùng nhiều giờ như thế để giải trí, vậy thì cha học khi nào?”
Cha chẳng dấu gì chúng con rằng cha còn có thể học hơn nữa. Nhưng để học những gì cần thiết, đối với cha, chỉ cần chú ý ở lớp là đủ. Thời gian ấy, cha có một trí nhớ thật tốt đến độ đối với cha không có sự khác biệt giữa đọc và học. Cha có thể dễ dàng trình bày lại nội dung của bất kỳ cuốn sách nào mà cha đã đọc hoặc đã nghe kể. Hơn nữa, mẹ cha đã làm cho cha quen với việc ngủ ít. Bởi thế, cha có thể dành cả hai phần ba ban đêm để đọc sách, và rồi dùng hầu như cả ngày cho những hoạt động tự do. Cha giúp ôn bài và dạy học riêng. Cha làm tất cả vì tình bạn và vì đức ái, không để kiếm tiền. Nhưng nhiều bạn hiền cho cha.
Tại Chieri, có một người Do thái bán sách tên Elia. Cha thỏa thuận với ông một giao ước để có thể đọc tất cả các tác giả Ý cổ điển. Cha trả ông một đồng cắc cho mỗi cuốn sách mà ông cho mượn, và cha trả lại ông khi đọc xong. Các đầu sách của thư viện bình dân, cha đã đọc với nhịp độ mỗi ngày một cuốn.
BUỔI BÌNH MINH SOI SÁNG CÁC TRANG SÁCH CỦA TITO LIVIO
Trong năm thứ tư trung học, cha đã đọc các tác giả Ý. Trong năm tu từ học cha lại tìm tới các tác giả Latinh cổ điển: Cornelio Nepote, Cicerone, Sallustio, Quinzio Cuizio, Tito Livio, Cornelio Tacito, Ovidio, Virgilio, Orazio và các tác giả khác.
Những sách đó cha đọc để giải trí. Cha rất thích vì dường như cha hoàn toàn hiểu chúng. Chỉ sau này cha mới nhận ra là không phải thế. Khi cha đã trở thành linh mục và dạy học, cha tìm cách giải thích những kiệt tác ấy, cha mới rằng chỉ với sự nghiến cứu sâu xa và chuẩn bị đàng hoàng người ta mới có thể hoàn toàn hiểu được ý nghĩa và vẻ đẹp của chúng.
Các bổn phận ở trường, các buổi ôn bài, việc đọc sách kéo dài chiếm hết ngày cũng như một phần lớn đêm của cha. Nhiều khi tới giờ thức giấc mà cha vẫn còn trong tay chuyện của Tito Livio, cuốn sách mà cha đã đọc từ chiều hôm trước.
Nhịp độ vô chừng này đã tàn phá nghiêm trọng sức khỏe của cha. Trong một số năm, cha phải chịu một sự kiệt lực chết người. Bởi đó sau này cha luôn khuyên người ta hãy làm những gì có thể và đừng làm hết mức có thể. Ban đêm được dành cho việc nghỉ ngơi. Sau bữa tối đừng ai phải vùi đầu vào những việc học khó khăn, trừ khi rất cần thiết. Một người khỏe mạnh có thể đứng vững một thời gian, nhưng sẽ luôn kết thúc với việc hủy hoại sức khỏe của mình.
14. ĐỜI TÔI SẼ LÀM GÌ
“Tôi không muốn tin vào các giấc mơ”
Cha sắp sửa kết thúc năm học nhân văn. Đối với cha, đây cũng là lúc phải suy nghĩ nghiêm chỉnh về điều mình sẽ làm trong cuộc sống.
Giấc mơ mà cha đã có khi còn ở Becchi vẫn luôn ở trong trí cha. Hơn nữa, cha phải nói rằng giấc mơ đó xuất hiện lại nhiều lần, ngày càng rõ hơn. Nếu tin vào giấc mơ đó, cha đã phải suy nghĩ đến chuyện trở thành linh mục. Cha cũng có khuynh hướng nào đó muốn làm linh mục.
Nhưng cha không muốn tin vào mộng mị. Rồi cách cha sống, một số thói quen, sự thiếu những nhân đức cần thiết của người linh mục, khiến cha không an tâm. Chọn lựa của cha lúc đó thực là khó khăn.
Nhiều lần cha ước mong có một vị linh hướng để giúp mình trong lúc ấy. Ngài sẽ là kho tàng đối với cha, thế nhưng cha lại không có. Cha có một vị giải tội tốt bụng, ngài giúp cha sống như một kitô hữu tốt lành, nhưng ngài lại không muốn bàn gì về ơn gọi.
Cha suy nghĩ. Cha đọc các sách về ơn gọi đời tu và đời linh mục. Sau cùng cha quyết định đi vào dòng Phanxicô. Cha lập luận thế này:
-Nếu tôi trở thành linh mục giữa thế gian này là tôi liều mình sa ngã(3). Tôi sẽ thành linh mục, nhưng không sống với dân chúng.
Tôi sẽ đi vào trong một tu viện, tôi sẽ hiến thân cho việc học tập và suy niệm. Trong cô tịch, tôi sẽ dễ dàng chiến đấu với các đam mê, đặc biệt là tính tự kiêu, vốn đã ăn rễ sâu trong lòng tôi.
(3): Đây không phải là một cảm xúc bất an, một sự sợ hãi bất chợt. Nhà sử học Pietro Stella viết rằng: “trong số những điều mà người ta sợ hãi, có cái tính cách nghề nghiệp của các giáo sĩ, mang lấy cái nghề “nghề” giáo sĩ không vì một tinh thần đạo giáo sâu xa, nhưng vì những lý do nhân loại, để bảo đảm tương lai. Ngài nhìn thấy nơi sự trống rỗng nội tâm, sự hời hợi về cảm thức đạo giáo, sự dữ lớn lao cho chức linh mục”. Một dấu hiệu của mối nguy hiểm này đó chính là có quá nhiều người trẻ chọn con đường linh mục. Tương ứng với số vào đông đảo thì cũng là vô số người rời bỏ đau đớn. Con đường học vấn của các giáo sĩ đã được nhiều người coi như điểm khởi hành, một con đường tắt để có một địa vị xã hội hoặc một chức vụ nhà nước.
“CHÚA CHUẨN BỊ CHO CON MỘT CÁNH ĐỒNG KHÁC”
Và như thế, cha xin gia nhập dòng thánh Phanxicô nghành tu viện kín cải cách (i francescani conventuali riformati). Cha dự thi tuyển và được nhận. Mọi sự như thế đã sẵn sàng cho ngày cha vào tu viện Pace, tại Chieri.
Còn vài ngày trước khi vào đó, cha có một giấc mơ kỳ lạ. Cha thấy một số đông tu sĩ với y phục xé rách và chạy đi nhiều hướng khác nhau. Một người trong số họ chạy tới và nói với cha:
– Bạn đi tìm bình an, nhưng nơi đây bạn sẽ không gặp bình an. Bạn không thấy anh em của bạn đang phản ứng thế nào sao? Thiên Chúa sửa soạn cho bạn một chỗ khác, một cánh đồng làm việc khác(4).
Trong giấc mơ, cha muốn hỏi thầy dòng đó mấy câu, nhưng một tiếng động đã làm cha thức giấc và mọi sự biến mất.
(4): Pietro Stella viết: “Dòng anh em hèn mọn lúc bấy giờ nổi tiếng ở Piemonte do một số nhân vật nổi bật: các nhà truyền giáo ở Phi Châu, Đất thánh và Trung Hoa…Nhưng dòng đang trải qua một cơn khủng hoảng ghê sợ về ơn gọi…Vào những năm 700 họ có hơn bảy chục ngàn. Trong thời cách mạng Pháp họ chịu một sự suy giảm nặng nề. Năm 1862 họ giảm xuống còn hai mươi ba ngàn và năm 1882 còn mười năm ngàn, thời gian mà dòng và hội Ba thực hiện một cách canh tân. (Don Bosco trong lịch sử đạo giáo, vol.I, p. 45).
Cha đi gặp cha giải tội và giải bày cho ngài mọi sự. Ngài không muốn nghe nói tới giấc mơ, cũng không muốn nói tới các thầy dòng. Ngài nói với cha:
- Trong những việc như thế này, mỗi người phải theo thiên hướng của mình, chứ không phải lời khuyên của những người khác.
MỘT LÁ THƯ CHIẾU CHÂN TRỜI
Đúng vào thời gian này xảy ra một sự kiện khiến cha không thể vào dòng Phanxicô ngay lập tức. Cha cứ nghĩ rằng đó là một sự khó khăn tạm thời, thay vào đó, có những trở ngại khác còn lớn hơn nữa.
Cha quyết định tâm sự với Lui Comollo, bạn của cha. Thầy ấy khuyên cha hãy làm tuần chín ngày và viết thư cho một cha xứ là chú của thầy.
Ngày cuối cùng của tuần chín ngày, cha cùng đi với thầy để xưng tội và Rước lễ, rồi dự thánh lễ và giúp một thánh lễ khác tai bàn thờ Đức Mẹ Ban ơn. Khi trở về nhà, cha và Lui có lá thư trả lời của cha Comollo, chú của Lui. Ngài viết:
-Sau khi đã cân nhắc mọi sự, chú khuyên anh bạn của cháu không nên vào tu viện. Anh ta hãy mặc áo tư giáo(5), và trong khi theo đuổi việc học anh ta sẽ biết rõ hơn điều Thiên Chúa muốn nơi anh ta. Đừng sợ mất ơn gọi. Với sự lánh đời và thực hành lòng đạo đức anh ta sẽ vượt qua mọi trở ngại.
(5) “Tư giáo” là tiếng dùng để gọi những người bắt đầu việc học của giáo sĩ để trở thành linh mục. Áo của họ là áo chùng đen, dài tới qua gối hoặc cho tới mắt cá nhân.
Các “tư giáo” được phân thành ngoại trú (esterni), tức là những người vào trong chủng viện chỉ để học và làm các việc phụng tự, và phần thời gian còn lại thì sống tại gia đình; và nội trú (interni), tức là những người sống thường xuyên trong chủng viện. Các giám mục có khuynh hướng ngày càng giảm bớt con số ngoại trú, vì từ họ bầu khí thế tục lan vào trong những người nội trú.
BỆNH DỊCH TẢ TRÀN KHẮP TORINO
Cha đã vượt qua kỳ thi năm tu từ học. Ngay sau đó cha làm những gì cần thiết để đi vào chủng viện(6). Cha sẽ phải thi kỳ thứ hai ở Torino, thành phố lúc đó đang nhiễm bệnh dịch tả, lan sang cả các vùng lân cận. Bởi thế cha trú ngụ tại nhà Bertinetti, lúc đó đang do kinh sĩ Burzio mướn, ngôi nhà sau này ông Carlo Bertinetti sẽ nhượng lại cho các Salêdiêng.
Tiện thể, cha muốn nhấn mạnh tới một dữ kiện, nhằm để giúp hiểu về bầu khí đạo đức của các trường học tại Chieri. Trong bốn năm, cha nhớ là chưa nghe một lần có cuộc nói chuyện nào hoặc tiếng xấu nào chống lại tôn giáo.
Lớp cha là hai mươi năm người kết thúc năm học tu từ. Ba người tiếp tục việc học để trở thành thầy thuốc. Một người trở thành thương gia. Hai mươi mốt người khác đều bắt đầu học tại chủng viện để trở thành linh mục.
Kỳ nghỉ hè năm ấy, cha chấm dứt không làm xiếc nữa, và dành thời giờ để đọc sách đạo đức. Cha phải xấu hổ thú nhận rằng cho tới lúc đó cha đã xao lãng.
Tuy nhiên, cha tiếp tục quan tâm tới các thanh thiếu niên. Các câu chuyện, các trò chơi, các bài hát cuả cha thu hút chúng. Nhiều đứa, ngay cả những đứa lớn, thế mà chưa biết đến các chân lý đức tin. Giữa các trò chơi và các câu chuyện, cha dạy chúng giáo lý và các kinh nguyện Kitô giáo. Đó là một loại nguyện xá: khoảng năm mươi bạn trẻ rất quý mến và vâng lời cha, coi cha như thể bố chúng.
(6): Gioan Bosco đã quyết định vào chủng viện như người sống trong đó, nghĩa là sẵn sàng sống đời chủng sinh với tất cả sự nhiệm nhặt. Chủng viện Chieri chỉ mới được mở trước đó ít năm, tức năm 1829. Tổng giám mục Torino, Colombano Chiaveroti, đã muốn các linh mục tương lai có một khung cảnh hồi tâm, gần như nội vi, xa khỏi những ồn ào của thành phố Torino.