NHỮNG NĂM KỲ THÚ 1825-1835
1.Gioan-Diễn viên xiếc nhỏ.
2.Những cuộc hội ngộ.
3.Niềm hi vọng tiêu tan
1.Gioan-Diễn viên xiếc nhỏ.
Vóc dáng nhỏ bé.
Từ tuổi nào cha đã bắt đầu lo cho đám trẻ? Người ta đã nhiều lần hỏi cha điều đó? Cha có thể trả lời là vào lúc mười tuổi, cha đã làm những gì cha có thể làm, nghĩa là một thứ Nguyện xá các ngày lễ.
Cha còn nhỏ, nhỏ lắm, nhưng đã tìm cách hiểu khuynh hướng của các bạn. Cha nhìn vào mặt đứa nào đó và có thể đọc được những ý định trong đầu của nó. Do điều đặc biệt này, các trẻ ở tuổi cha rất thích cha, và đồng thời cũng sợ cha.
Mọi đứa đều yêu cha như bạn của chúng hoặc như quan tòa khi có tranh cải. Cha làm điều tốt cho mọi người khi cha có thể, không làm điều xấu cho bất cứ ai. Chúng tìm cách làm bạn với cha bởi vì, trong trường hợp cãi nhau lúc chơi, cha bênh chúng. Thực ra cha có một vóc dáng nhỏ bé, nhưng cha có sức mạnh và can đảm khiến cho ngay cả những đứa lớn cũng phải nể sợ. Vì thế khi xảy ra xích mích, cãi nhau, tranh luận, cha được chọn như một trọng tài, và tất cả đều chấp nhận các quyết định của cha.
Kể chuyện trong đồng cỏ và trong chuồng gia súc.
Cái đặc biệt lôi cuốn chúng tôi với cha và làm chúng thích thú đó là các câu chuyện của cha. Cha kể lại những gì cha đã nghe trong các bài giảng và giáo lý, các cuộc phiêu lưu mà cha đã đọc trong “Những bậc vị vọng của nước Pháp, Guerin Meschino, Bertolo và Beroldino”.
Ngay khi các bạn nhìn thấy cha là chúng chạy lại gần. Chúng muốn cha kể một cái gì đó, dù rằng cha còn nhỏ đến độ lắm lúc cha cũng chẳng hiểu điều mình đã đọc.
Cùng với bọn trẻ cũng thường có cả nhiều người lớn.Thế nên,khi cha đi hoặc trở về từ Castelnuovo, qua những cánh đồng, có những lần cha bị bao quanh cả trăm người. Họ muốn nghe một đứa trẻ nghèo nhưng có một chút trí nhớ. Cha không có học hành chi cả, nhưng ở giữa họ lại được coi như một người thông thái. Có một châm ngôn xưa nói: “Giữa đám mù, kẻ chột một mắt cũng làm vua”.
Vào mùa đông, nhiều gia đình nông dân qua các buổi chiều tối ở nhà gia súc (nơi ấm nhất trong cả khu nhà ở). Họ mời cha, để cha kể chuyện cho họ nghe. Họ khoan khoái dành cả năm sáu tiếng đồng hồ ngồi yên lặng lắng nghe đọc “Những bậc vị vọng của nước Pháp”. Người đọc sách nhỏ và nghèo kia đứng thẳng trên một cái ghế băng, để cho mọi người có thể nhìn thấy. Thật là lạ khi người ta truyền miệng nhau nói rằng: “Nào chúng ta đi nghe giảng”, bởi vì trước và sau các truyện của cha, mọi người đều làm dấu Thánh giá và đọc kinh Kính mừng.
Chạy nhảy và múa trên dây.
Khi thời tiết đẹp, công việc thay đổi, trở nên bận bịu hơn. Trong các ngày lễ, đám trẻ của những ngôi nhà lân cận cũng như những làng xa đến tìm cha. Cha trình diễn những gì đã học được trong vài ngày trước đó.
Trong những ngày có chợ và hội chợ, cha đi để xem những người bán hàng và làm xiếc. Cha chăm chú qua sát những trò ảo thuật, những biểu diễn khéo léo. Trở về nhà cha thử đi thử lại cho đến khi nào thành công. Có thể tưởng tượng ra vô số những lần cha phải liều mạng chịu té nhào, ngã sấp ngã ngửa, đầu nhào xuống đất. Thế mà dù thật khó tin, lúc mười một tuổi, cha đã có thể thực hiện những trò ảo thuật, những cú nhảy chết người, đi bằng hai tay, nhảy múa trên dây như những tay nhào lộn chuyên nghiệp.
Mỗi buổi chiều ngày lễ, một buổi trình diễn.
Ở Becchi có một sân cỏ với nhiều cây cối, trong những cây đó có một cây lê mùa thu rất to lớn. Cha buộc vào cây đó một sợi dây, kéo tới, buộc vào một cây khác. Bên cạnh đó, cha đặt một cái bàn nhỏ với giỏi đồ nghề làm ảo thuật. Dưới đó, cha trải một tấm thảm để diễn trò nhào lộn.
Khi mọi sự đã sẵn sằng và có nhiều khán giả đang nóng lòng chờ đợi, cha mời tất cả lần một chuỗi tràng hạt và hát một bài thánh ca. Rồi cha nhảy lên một cái ghế, bắt đầu giảng. Cha lập lại bài giảng đã nghe buổi sáng trong thánh lễ, hoặc thuật lại một sự kiện hấp dẫn nào đó cha đã nghe hay đọc trong sách. Kết thúc bài giảng, còn thêm một kinh nguyện ngắn và rồi bắt đầu buổi trình diễn.
Vị giảng thuyết biến thành kẻ nhào lộn chuyên nghiệp.
Cha thực hiện những cú nhảy hiểm hóc, đi bằng hai tay, những chuyển động táo bạo. Sau đó tới những trò ảo thuật. Cha nuốt đồng xu và đi tới lượm lại nó trên mũi của khán giả. Cha hóa banh, hóa trứng ra nhiều, làm nước đổi sang rượu, chặt con gà ra nhiều mảnh rồi cho nó sống dậy và gáy chơi.
Sau cùng, nhảy múa trên dây, cha đi một cách bình thản như đi trên đường: cha nhảy, múa, chống tay trên dây đứa hai chân lên trời, cha bay quay đầu xuống đất rồi giữ chân treo mình trên dây.
Sau mấy giờ đồng hồ,cha rất mệt mỏi. Kết thúc cuộc trình diễn, mọi người đọc một kinh ngắn và ai trở về nhà nấy.
Cha loại ra, không cho coi trình diễn những người nói phạm thượng, những người nói chuyện xấc và những người từ chối không muốn cầu nguyện với mọi người.
Chúng con có thể hỏi cha: “Nhưng để đi hội chợ và các buổi chợ để xem các cuộc trình diễn ảo thuật, người ta phải mua vé. Vậy thì kiếm đâu ra tiền cho chuyện này?”
Cha có cả ngàn cách để lo chuyện này. Cha để dành các món quà, các món tiền nhỏ mà trong các dịp lễ mẹ và những người khác cho để mua kẹo. Ngoài ra cha rất khéo léo trong việc bẫy chim để đi bán. Cha đi kiếm nấm, các loại cây cảnh, các dược thảo để bán.
Chúng con sẽ hỏi nữa: “Nhưng mẹ của cha lúc đó có đồng ý cho cha đi hội chợ và các phiên chợ, có đồng ý cho cha làm xiếc không?”. Cha muốn nói với chúng con rằng mẹ của cha thương cha rất nhiều. Cha kể cho mẹ nghe mọi chuyện: những kế hoạch của cha, những công việc nho nhỏ của cha. Không có sự đồng ý của bà, cha không làm bất cứ gì. Hơn thế nữa, nếu cha cần gì, bà tìm cách lo liệu cho bà. Cả các bạn bè nữa, khi thiếu gì cần thiết cho buổi trình diễn, họ vui lòng cho cha mượn.
2.Những cuộc hội ngộ.
Rước lễ lần đầu.
Cha được rước lễ lần đầu khi lên mười một tuổi. Cha đã biết đầy đủ giáo lý, nhưng khi ấy chẳng có ai được rước lễ trước khi đủ mười hai tuổi. Bởi vì xa nhà thờ, nên cha xứ không biết cha. Việc dạy đạo giáo cho cha hầu như tất cả đều do mẹ của cha lo. Bà ao ước cho cha được lãnh sớm bao có thể việc trọng đại đó của đạo thánh chúng ta, và bà sửa soạn cho cha cách chu đáo, làm tất cả những gì bà có thể.
Trong suốt mùa chay, bà gởi cha di học giáo lý mỗi ngày. Cuối mùa chay cha đã thi và được khen thưởng, và rồi được ấn định ngày để cùng với các thiếu nhi khác có thể rước lễ mùa Phục Sinh.
Trong mùa chay, mẹ của cha dẫn cha đi xưng tội ba lần.Bà nhắc nhở:
-Gioan, Thiên Chúa ban cho con một ân huệ lớn lao. Con hãy sống cho tốt, hãy xưng tội với sự đơn sơ. Hãy xin Chúa tha thứ, và hãy hứa với ngài con sẽ sống tốt hơn.
Cha đã hứa. Cha có giữ lời không, có chúa biết. Hôm trước ngày đó, bà giúp cha cầu nguyện, bảo cha đọc một cuốn sách tốt, bà cho cha những lời khuyên mà một bà mẹ Kitô giáo biết suy nghĩ dành cho con cái mình.
Vào đúng ngày rước lễ lần đầu, đứng giữa đám đông thiếu nhi và phụ huynh, thật khó mà giữ sự hồi tâm. Sáng hôm đó, mẹ không để cha nói chuyện với bất cứ ai. Bà cùng đi với cha tới bàn thánh. Cùng dọn mình rước lễ và cám ơn với cha, đọc theo lời kinh mà cha xứ, Don Sismondo, cho tất cả lập lại lớn tiếng.
Ngày hôm đó bà không muốn cha bận bịu về bất cứ công việc vật chất gì.Cha dùng giờ để đọc sách và cầu nguyện.
Bà lập lại cho cha nhiều lần lời này:
-Con của mẹ, hôm nay là ngày trọng đại đối với con. Mẹ chắc chắn rằng Thiên Chúa đã là chủ cõi lòng con. Hãy hứa với Ngài rằng con sẽ chăm lo để sống tốt suốt cả cuộc đời. Từ nay trở đi, con hãy thường xuyên đi rước lễ, nhưng đừng đi với lương tâm tội lỗi. Con hãy xưng tội với sự chân thành. Con hãy luôn biết vâng lời. Hãy mau mắn đi học giáo lý và nghe lời Chúa. Nhưng vì lòng mến Chúa, con hãy tránh xa mọi câu chuyện xấu: hãy coi đó như bệnh dịch.
Cha đã luôn nhớ và cố gắng thực hành những lời khuyên của mẹ. Từ ngày hôm ấy dường như cha đã trở nên tốt hơn, ít ra là phần nào. Trước đó, cha cảm thấy miễn cưỡng khi vâng lời, khi chấp nhận những quyết định của người khác. Cha đã luôn trả lời đối lại với ai ra lệnh hay khuyên bảo cha.
Có một điều làm cha bận tậm: chẳng có một nhà thờ nào để cha có thể tới đó cùng cầu nguyện và ca hát với các bạn của cha.
Để nghe giáo lý hay nghe giảng, cha phải đi tới Castelnuovo hay tới Buttigliera, tức là đi bộ mười cây số đi và về. Đây cũng là một trong những lý do mà vì đó nhiều người nghe các “bài giảng của chàng làm xiếc”.
Tuần đại phúc ở Buttigliera
Khi đó có giảng tuần. Cha đã đi và nghe được bài nói chuyện đạo đức. Dân chúng từ khắp nơi tuôn đến, họ bị thu hút bởi tiếng tăm của các vị giảng phòng. Mỗi buổi chiều, mọi người được nghe một bài về đạo và có một suy niệm về các chân lý vĩnh cửu. Rồi ai nấy trở về nhà mình.
Một buổi chiều nọ, cha trên đường về nhà cùng với đông đảo dân chúng. Trong số họ có cả cha Calosso thuộc vùng Chieri, ngài mới làm tuyên úy cho họ đạo Morialdo. Ngài là một linh mục tuổi và rất tốt bụng. Ngài bước đi mệt nhọc, nhưng vẫn đi mỗi ngày để nghe tuần đại phúc với mọi người.
Bốn đồng tiền cho bốn chữ
Thấy cha còn nhỏ (Cha nhớ cha có vóc dáng nhỏ bé, đầu đội nón, với mái tóc dày và yên lặng bước đi giữa đám đông) ngài nhìn cha một lát, rồi nói:
-Chào con, nhà con ở đâu? Con cũng đi nghe tuần đại phúc sao?
-Vâng, thưa cha con đi nghe giảng tuần đại phúc.
-Nhưng con hiểu được chứ? Có lẽ mẹ con có thể giảng dễ hiểu hơn cho con nghe, phải không?
-Đúng thế, mẹ con thường giảng cha con, nhưng con nghĩ rằng con hiểu các vị giảng phòng ấy.
-Thế à, vậy nếu con nói cho cha nghe bốn chữ của bài giảng hôm nay, cha sẽ cho con bốn đồng.
-Cha muốn con nói về bài giảng thứ nhất hay bài giảng thứ hai?
-Con muốn nói về bài giảng nào cũng được. Chỉ cần bốn lời thôi. Con có nhớ đề tài của bài giảng thứ nhất không?
-Thưa có: Đó là sự cần thiết phải làm bạn với Thiên Chúa và đừng trì hoãn trở lại với Chúa.
-Vậy cha giảng phòng nói gì?-Vị linh mục già bắt đầu ngỡ ngàng và hỏi thêm.
-Con nhớ rõ lắm. Đây con thuật lại tất cả. Không gặp chút khó khăn, cha trình bày phần mở đầu, rồi tới ba điểm chính: Người chậm trể không trở về là kẻ liều lĩnh vì sẽ không đủ thời giờ, sẽ không có ơn Chúa và sẽ không có ý muốn. Cha Calosso để yên cho cha trình bày hơn nữa giờ đồng hồ đang khi rảo bước cùng với dân chúng. Rồi ngài nói với cha:
-Con tên gì? Cha mẹ con là ai? Con đã đi học chưa?
-Con là Gioan Bosco. Cha con đã mất rồi khi con còn nhỏ. Mẹ con còn một mình với ba đứa con phải chăm sóc. Con học đọc và viết rồi.
-Con đã học văn phạm Latinh chưa?
-Con chẳng biết nó là cái gì.
-Con có thích học không?-
-Thích lắm.
-Điều gì cản trở con đi học?
-Anh Antôn của con.
-Vì sao anh con không muốn con đi học?
-Anh bảo đi học là phí thời giờ. Nhưng nếu con có thể đi học, con sẽ không để phí thời giờ. Con sẽ học rất nhiều.
-Vì sao con muốn đi học.
-Để trở thành linh mục.
-Tại sao con muốn trở thành linh mục?
-Để dạy đạo cho các bạn của bạn. Chúng không xấu, nhưng sẽ trở thành xấu nếu không có ai giúp chúng. Con muốn ở bên chúng, nói với chúng và giúp chúng.
Những lời nói rõ ràng và chân thành của cha khiến cho cha Calosso bị ấn tượng và nhìn cha. Khi đi tới ngã tư đường, phải chia tay, ngài nói với cha:
-Đừng mất can đảm con ạ. Cha sẽ lo liệu cho con về việc học của con. Đến Chúa nhật, hãy đưa mẹ con tới gặp cha, và con sẽ thấy chúng ta có thể chỉnh đốn mọi sự.
Ngày Chúa nhật sau đó,cha cùng mẹ của cha tới nhà ngài.Họ bàn với nhau để cha có thể học mỗi ngày một chút.Còn lại trong ngày,cha sẽ làm việc ngoài ruộng để cho anh Antôn được hài lòng.Anh của cha cũng đồng ý,bởi vì cha sẽ bắt đầu đi học sau mùa hè,khi mà công việc đồng áng không còn cấp thiết nữa.
Sự bình an vì có một người hướng dẫn.
Từ khi đến với cha Calosso, cha hoàn toàn tin tưởng ngài. Cha kể cho ngài nghe những điều cha làm, những lời cha nói, tâm sự cho ngài cả những suy nghĩ của cha. Nhờ đó ngài có thể cho cha những lời khuyên thích hợp.
Lần dầu tiên trong đời tôi cảm thấy an tâm vì có được người hướng dẫn, một người bạn linh hồn. Điều đầu tiên, ngài cấm cha làm việc đền tội mà cha vẫn quen làm vốn không thích hợp với tuổi của tôi. Thay vào đó ngài khuyến khích cha thường xuyên đi xưng tội và rước lễ. Ngài dạy cha nguyện gẫm mỗi ngày một chút, hoặc đọc một chút sách thiêng.
Cha trải qua thời giờ rảnh rỗi trong các ngày lễ với ngài. Ngày thường, cha tới giúp lễ cho ngài khi có thể đi được. Thời gian ấy, cha bắt đầu cảm nghiệm niềm vui vì có đời sống liêng thiêng. Cho tới lúc đó cha sống một cách vật chật, hầu như giống một cái máy làm mọi chuyện mà chẳng biết tại sao.
Đến khoảng giữa tháng chín bắt đầu các bài học tiếng Ý. Cha học văn phạm và thực tập viết văn. Đến lẽ Giáng Sinh, cha bắt đầu học văn phạm Latinh. Đến lễ Phục Sinh cha đã bắt đầu tập dịch từ Latinh sang tiếng Ý và từ tiếng Ý sang tiếng Latinh.
Trong thời gian này, cha không ngưng những buổi trình diễn ngoài cánh đồng khi trời đẹp và trong các nhà nuôi súc vật vào mùa đông. Những điều cha Calosso kể và những lời ngài nói, giúp cha rất nhiều trong các “bài giảng” của cha.
Cha rất hạnh phúc. Dường như mọi mơ ước của cha đã được đáp ứng. Thế nhưng một nỗi bất hạnh mới, một đau khổ nặng nề, chặt đứt mọi hi vọng của cha.
3.Niềm hi vọng tiêu tan
Việc học và cái cuốc
Vào mùa đông, công việc đồng áng giảm bớt hầu như không có gì. Anh Antôn cho phép cha học bao nhiêu tùy ý.
Nhưng khi mùa xuân đến, anh bắt đầu kêu ca. Anh nói rằng anh phải hy sinh cả cuộc đời vì công việc nặng nhọc, còn cha, cha sống như một ông chủ nhỏ. Anh ấy tranh cãi với cha và với mẹ của cha. Sau cùng để gia đình khỏi mất bình an, cả nhà quyết định rằng cha sẽ đi học vào sáng sớm, thời giờ còn lại trong ngày, cha sẽ về làm việc ngoài đồng.
Nhưng làm sao cha có thể học bài và làm các bài dịch được? Cha sắp đặt thế này. Đang khi đi và trở về, cha sẽ học. Về tới nhà, một tay cầm cuốc, tay kia sẽ cầm sách văn phạm. Trên đường ra ruộng, cha tập đọc các đại danh từ và động tự. Tới chỗ làm việc, cha để mắt trong cuốn văn phạm cha cất ở một góc an toàn, rồi cùng với mọi người, cha cuốc đất, vữa đất và gom cỏ.
Tới giờ giải lao, cha đi ra chỗ riêng. Một tay cầm bánh mì, tay kia trở lại cuốn văn phạm để học. Khi ở đồng về nhà cũng thế. Lúc ăn trưa hay ăn tối, bớt ra nữa tiếng không ngủ, đó là thời giờ duy nhất để viết bài tập.
Dù làm việc nhiều và có nhiều thiện chí như thế, nhưng anh Antôn không hài lòng. Một ngày nọ, với giọng nói cương quyết, anh ấy nói với mẹ và anh Giuse:
-Từ nay phải chấm dứt cái văn phạm ấy đi. Tôi đã lớn lên khỏe mạnh to con mà chưa bao giờ cần đến sách vở.
Đầy đau đớn và giận dữ, cha trả lời:
-Cả con lừa nhà ta cũng chẳng bao giờ đi học, thế mà nó còn to lớn hơn anh.
Nghe thế anh nổi giận, và may mắn lắm cha mới chạy thoát khỏi những cú đấm đá và tát tai.
Những ngày hạnh phúc.
Mẹ của cha đau khổ, còn cha thì khóc. Cha Calosso nghe biết những bất hạnh xảy ra trong gia đình cha, gọi cha đến và bảo:
-Gioan, con tin tưởng nơi cha, nên cha không muốn con phải thất vọng. Con hãy bỏ người anh em giữ tợn đó của con và đến đây ở với cha.
Cha lập tức nói lại cho mẹ của cha nghe, mẹ rất hài lòng. Tới tháng tư,c ha bắt đầu đến ở cả ngày với cha tuyên úy, cha trở về nhà để ngủ mà thôi.
Niềm vui của cha không ai có thể tưởng tượng được. Cha Calosso trở thành thần tượng của cha. Cha yêu quí ngài như cha ruột. Cha muốn làm những điều hay ho cho ngài, sẵn sàng cho đi cả mạng sống cha nữa.
Ở với ngài một ngày, cha có tiến bộ trong việc học hơn là ở nhà cả tuần lễ. Người của Thiên Chúa đó cũng rất yêu quí cha. Nhiều lần ngài bảo cha:
-Con đừng lo gì về tương lai. Bao lâu cha còn sống, cha sẽ không để con thiếu thốn gì. Và nếu cha chết, chính cha sẽ lo liệu về tương lai của con.
Cha Calosso ra đi.
Mọi sự đều xuôi chạy tốt đẹp. Cha đang hoàn toàn hạnh phúc thì một tai họa xảy đến xóa tan mọi hy vọng của cha. Một buổi sáng tháng tư (1), Cha Calosso sai cha về nhà lo một việc. Cha vừa về tới nhà, thìmột người chạy tới báo tin cho cha phải trở về với ngài ngay. Ngài đã thình lình bị đột quỵ và muốn gặp cha.
Cha không chạy mà như bay tới. Cha Calosso yêu dấu của cha nằm trên giường, không nói năng gì được nữa. Nhưng ngài nhận ra cha, ngài đưa cha chìa khóa ngăn tủ mà ngài cất tiền, ngài làm hiệu cho cha không đưa nó cho bất cứ ai.
Sau hai tiếng đồng hồ hấp hối, ngài đi về với Chúa. Mọi hy vọng của cha cũng chết theo ngài. Cha luôn cầu nguyện, và khi nào còn sống, mỗi sáng cha đều cầu nguyện cho vị ân nhân lớn nhất này của cha.
Khi các người thừa kế của ngài tới, cha trao cho họ chìa khóa cùng với tất cả mọi sự khác.